Hội thảo khoa học “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp”
Đến dự Hội thảo có các đại biểu cấp bộ, ngành Trung ương gồm: Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Đặng Huy Đông, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại biểu các cục, viện, trường, hiệp hội trực thuộc các bộ, các nhà khoa học, doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Bến Tre, có sự tham dự của ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và đại diện các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp.
Tham dự Hội thảo còn có các Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trình bày các nội dung:
Thực trạng về chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy định của pháp luật trong quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản trong chất thải rắn sinh hoạt.
Chính sách và những chia sẻ của World Bank về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Nghiên cứu về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Chương trình KC.06/21-30.
Nguồn vốn, đấu thầu lựa chọn công nghệ, dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật.
Tổng quan về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty TNHH năng lượng môi trường Ever Bright tại Cần Thơ.

Ảnh ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo
Qua các báo cáo và trao đổi thảo luận cho thấy:
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quan điểm “Coi rác là tài nguyên". Thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành bộ định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có khảo sát, kiểm chứng theo các vùng, miền; rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (đảm bảo tính khả thi, bao quát hơn cho các công nghệ đốt khác nhau, công nghệ đốt có thu hồi năng lượng và không có thu hồi năng lượng), quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tăng cường thực hiện việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư; thẩm định và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia; các hoạt động liên quan sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tế.
Trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng rác phát thải, tính chất, thành phần rác thải có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… do đó công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên và có giá thành đầu tư phù hợp, quy mô xử lý cụ thể của mỗi địa phương. Cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải. Vấn đề quan trọng là các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần bảo đảm được vận hành đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính khả thi về hiệu quả đầu tư, vận hành và tính bền vững.
Hội thảo là cơ hội để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các kiến thức mới, công nghệ mới, các giải pháp, các mô hình… của các chuyên gia, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, để nghiên cứu vận dụng các giải pháp về công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.
Tác giả: Nguyễn Thanh Dũng